Trong tự nhiên chúng ta có thể thấy lan mọc trên những cây gỗ to cao trong rừng nhưng vẫn phát triển rất tốt và sức sống vô cùng mãnh liệt. Vậy có bao giờ bạn nghĩ khi khai thác lan về ta nên ghép lan vào loại gỗ nào là tốt nhất không? Câu trả lời được nhiều người đồng ý nhất chính là cây vú sữa – một loại giá thể rất phổ biến cho việc trồng lan, đặc biệt là đối với lan rừng. Vì nó vừa đáp ứng được nhu cầu sinh trưởng và phát triển của lan vừa dễ chăm sóc và đặc biệt mang lại tính thẩm mỹ cao. Trong bài này, chúng tôi sẽ hướng dẫn cách ghép lan vào cây vú sữa mang lại hiệu quả cao nhất cho những ai chưa biết sử dụng loại giá thể tuyệt vời này.
NỘI DUNG CHÍNH
Ưu điểm của việc ghép lan vào cây vú sữa
Dưới đây là những lý do khiến lan sống khỏe mạnh, sinh trưởng tốt và ra hoa đẹp khi ghép vào cây vú sữa:
- Thân cây vú sữa có độ bền rất cao, trung bình có thể sử dụng trong thời gian dài từ 3 đến 4 năm trở lên.
- Một ưu điểm lớn nữa là thân cây vú sữa không chứa những chất chát và mặn, là nguyên nhân chủ yếu gây teo, thun đầu rễ lan.
- Cây thân gỗ không phải là môi trường tốt để nấm và bồ hóng phát triển, giảm tối đa bệnh tật cho cây lan như là (giảm khả năng quang hợp của cây làm cho cây sẽ còi cọc, chậm lớn, lâu ra lá và hoa).
- Mang lại môi trường sống tự nhiên cho cây, tạo sự thoát mát cho rễ giúp cây phát triển nhanh chóng.
Những loại lan thích hợp trồng trên cây vú sữa
Gỗ vú sữa có đặc tính khô ráo, thích hợp cho các loại lan cần sự khô ráo thoáng mát cho hệ rễ như các giống lan thuộc họ Hoàng Thảo: dã hạc, đơn cam, hoàng lạp, hạc vỹ, kim điệp và nhiều hơn nữa.
Điều kiện thích hợp cho việc trồng lan vào thân cây vú sữa
Như đã nói ở trên, do tính chất của gỗ vú sữa là có độ thông thoáng cao và đặc tính có phần khô ráo, điều này cũng đồng nghĩa với việc giá thể rất nhanh khô trong môi trường tự nhiên. Do đó việc ghép lan vào cây vú sữa cần môi trường có độ ẩm cao hoặc chủ nhà vườn có nhiều thời gian để chăm sóc tưới nước thường xuyên. Như vậy độ ẩm là điều kiện rất cần thiết cho lan phát triển tốt.
Hướng dẫn cách ghép lan vào cây vú sữa
Bước 1: Xử lý gỗ vú sữa trước khi trồng
Để sử dụng gỗ vú sữa hiệu quả trong trồng hoa lan thì trước tiên cần thực hiện tốt khâu xử lý vỏ như sau: lột bỏ phần vỏ bên ngoài của gỗ để tránh côn trùng sống ẩn nấp trong vỏ cây làm giá thể nhanh mục hoặc giá thể được sử dụng trong thời gian dài lớp vỏ sẽ bị bong tróc làm ảnh hưởng đến độ bám chặt của rễ lan.
Tiếp theo, rửa sạch gỗ và ngâm trong nước sạch vài ngày, hoặc chúng ta cũng có thể ngâm gỗ trong nước sạch pha vôi loãng giúp diệt vi khuẩn và mầm bệnh như nấm, sâu đục thân, rong rêu, …
Sau khi ngâm, vớt gỗ ra và phơi từ 2 – 3 ngày cho thật ráo.
Bước 2: Xử lý giống
Cũng giống như những cách trồng thông thường, nhưng bạn nên chọn những cây lan có sức sống mãnh liệt, sung sức và hạn chế chọn những cây quá nhỏ hoặc kiệt sức. Vì trong thời gian đầu sẽ hơi khó chăm sóc hơn là việc chúng ta trồng lan bằng chậu như thông thường.
Tuy đã chọn những cây sung sức, và có sức sống mãnh liệt nhưng bạn cũng cần loại bỏ những phần cành, lá bị dập hoặc thối đi và cắt rể sát phần góc một chút việc này giúp cây kích thích rễ mới và nhanh bám vào gỗ hơn.
Bước 3: Ghép lan vào thân gỗ vú sữa
Dùng vải hoặc dây thun buộc vòng qua phần gốc của cây lan, buộc chặt với thân cây gỗ vú sữa để cố định cây vừa chặt lại vừa thân thiện với cây. Về sau khi rễ lan phát triển và bám chặt vào cây vú sữa thì những chiếc dây này sẽ tự mục và phân hủy.
Lưu ý: Không nên dùng dây kẽm để cố định cây, vì lan không thích kim loại. Nó sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây sau này.
Bước 4: Tưới nước
Sau khi ghép cây xong, bạn không nên tưới nước ngay lúc đó mà hãy đợi đến hôm sau. Vì trong quá trình ghép cây sẽ để lại các vết xước trên thân cây, sau khi để một ngày những vết xước này đã cơ bản lành lại sẽ hạn chế được vi khuẩn và nấm bệnh xâm nhập làm hại cây. Lúc này bạn nên tưới thật đẫm vì là cây gỗ nên sẽ khô rất nhanh, mỗi ngày tưới một lần vào buổi chiều cho cây mọc rễ và phát triển bình thường.
Lưu ý: Bạn cũng có thể tưới thuốc kích thích mọc rễ cho lan. Các bạn có thể dùng thuốc N3M hoặc B1 đều có tác dụng rất tốt.
Trên đây là những chia sẻ về cách ghép lan vào cây vú sữa mang lại hiệu quả cao và dễ dàng thực hiện ở nhà. Hy vọng bài viết này sẽ giúp người chơi lan có được những gốc lan tuyệt hảo. Và cuối cùng, không quên chúc bạn thành công với phương pháp này